Những đầu sách trong thư viện phần lớn là sách tham khảo, phục vụ cho dạy và học, nên để tìm những quyển sách truyện là một điều xa xỉ.
Thấy bố đang sắp xếp lại tử sách, con gái nhỏ của tôi chạy tới thỏ thẻ về những câu chuyện ngày xưa được nghe kể mỗi tối. Nào là truyền thuyết, dân gian, cổ tích đến dã sử... Mỗi lần kể chuyện cho con nghe, tôi như trở lại những kỷ niệm thời thơ ấu với biết bao ký ức sống động. Và sâu xa hơn nữa, tôi muốn truyền những thông điệp tốt đẹp về lòng nhân ái của những câu chuyện tình nghĩa thủy chung, những ý chí quật cường, bất khuất hay những bài học làm người đến với con gái.
Từ câu chuyện về tấm bánh cổ truyền của dân tộc có hình dáng trời và đất - bánh chưng, bánh dày- dạy con cháu không chỉ ăn no mà còn phải biết ăn ngon; đến câu chuyện Phù Đổng thiên vương thúc ngựa phi hét ra lửa, xông vào đánh phá giặc Ân để bảo vệ núi sông bờ cõi. Ngày Tết, ngắm những quả dưa hấu trên bàn thờ ông bà tỏ tiên, con sẽ nhớ đến câu chuyện về Mai An Tiêm và bài học về sự nỗ lực của chính bản thân để vươn lên trong cuộc sống mà không phải dựa dẫm vào người khác.
Yêu chuộng hòa bình là ý nghĩa của câu chuyện trả gươm trên hồ Hoàn Kiếm. Hay mỗi mồng Năm tháng Giêng hằng năm, dân ta lại có ngày Giỗ trận Gò Đống Đa để có dịp hương khói với người đã khuất. Đây là một ứng xử rất văn hóa của người Việt. Rồi câu chuyện Thủy Tinh dâng nước cao đến đâu thì núi của Sơn Tinh dâng cao đến đấy là một cách huyền thoại hóa để cũng cố lòng tin rằng hệ thống đê điều là sự tài tình của tổ tiên chúng ta nhằm chế ngự các dòng sông...
Những câu chuyện đời xưa như vậy cứ thế dần dần ươm mầm những hạt giống của văn hóa đọc đến với con gái tôi. Thế là giờ đây tôi có thêm một người bạn cùng chung sở thích đọc sách với mình.
Ở vùng quê chúng tôi, yêu thích đọc sách và khao khát được tận hưởng văn hóa đọc như trẻ em ở thành thị là một điều không dễ chút nào. Với những đầu sách hiện nay được trang bị trong thư viện, phần lớn là sách tham khảo, phục vụ cho việc dạy và học, nên để có được những quyển sách truyện giải trí là một điều xa xỉ. Công tác xã hội hóa của nhà trường chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu đọc của học sinh. Thế nên, mỗi khi thư viện lưu động đến phục vụ là những ngày hội thực sự với các em nhỏ yêu sách ở quê tôi.
Hiểu được điều đó nên những ngày cuối tuần, những dịp lễ, Tết, cả hai cha con tôi lại cùng đi đến nhà sách, hòa vào thế giới diệu kỳ với biết bao nhiêu kiến thức của nhân loại. Những lần hội sách, tôi đều tranh thủ đưa con gái đi dự và hướng dẫn con làm thế nào để chọn những quyển sách phù hợp với lứa tuổi.
Những trang viết của con giờ đây thật đáng yêu với những giá trị có được từ thói quen đọc sách. Bởi nhờ đó, con thẩm thấu được cái hay cái đẹp từ những câu chuyện mà mình được nghe và được đọc. Những câu chuyện đời xưa thực sự đã khơi nguồn cho con gái tôi đến với thế giới sách. Văn hóa đọc chẳng ở đâu xã xôi, nó bắt nguồn ngay từ chính mỗi gia đình với sự lan tỏa từ các bậc cha mẹ đến với các bé ngay từ thưở ấu thơ.
Trích: https://vnexpress.net/