6 cách giúp bạn vượt qua sự lười nhác và thích đọc sách hơn
Đọc sách mang đến cho chúng ta ích lợi gì thì có lẽ không cần bàn nhiều nữa. Nếu ta say mê đọc một quyển sách nào đó, thì nó sẽ mở ra cho ta một chân trời mới, dẫn ta khám phá một hành trình của tri thức, của bình yên và của cả những niềm vui nữa.
Nhưng có một sự thật ai cũng biết là rất nhiều người trong chúng ta dường như không có duyên với sách lắm, nhìn thấy sách là đã ngáp ngắn ngáp dài rồi. Thêm nữa, trong thời đại mà văn hóa nghe nhìn đang dần chiếm ưu thế, bảo ta cầm quyển sách thật là chuyện khó khăn. Nhưng có một bí mật nhỏ mà chỉ những người hay đọc sách mới biết được, đó là khi cầm quyển sách trên tay hữu hình, lật dở từng trang một, ôm lấy từng con chữ ướp hương giấy, ta sẽ thấy mình hạnh phúc quá chừng.
Vậy làm sao để bạn bắt đầu nhen nhóm niềm hạnh phúc đó trong chính mình, làm sao để bạn mở được cánh cửa vào một thế giới mà bạn nhìn thấy sách là yêu, là muốn đọc, bất chấp những cám dỗ khác?
1. Hãy mua ít nhất một quyển sách nào đấy.
Khi bắt đầu bạn nên chọn một quyển sách dễ đọc, có thể là một quyển truyện ngắn hài hước hay “kinh điển” nào đấy (theo đánh giá của những người đọc khác). Một quyển sách mỏng, vui vẻ hoặc tình cảm, dễ đọc, dễ hiểu sẽ khiến bạn yêu sách hơn. Bạn sẽ phần nào cảm nhận được cái “thế giới mới” mà người ta bảo sách mở ra ấy là thế giới nào.
2. Kiếm một chỗ yên tĩnh, thoãi mái
Đó có thể là quán café, ghế đá sân trường, ở biển, trong phòng của bạn,.. hay bất cứ nơi nào bạn cảm thấy thoãi mái nhất. Vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, liên tưởng, … bạn sẽ thấy thú vị hơn rất nhiều.
3. Để bản thân trở về là một đứa trẻ
Một đứa trẻ thường phản ứng thế nào với mọi thứ xung quanh? Chúng tò mò, chúng đặt câu hỏi, chúng tìm tòi để có được câu trả lời, và không phán xét. Bạn cũng đã từng như vậy, nhưng bằng cách nào đó cuộc sống khiến chúng ta đánh mất sự tò mò tuyệt vời đó. Hãy làm sống dậy nó. Khi bạn tò mò và khát khao tìm tòi, thì không chỉ chuyện đọc sách đâu, cuộc sống của bạn cũng sẽ thay đổi rất nhiều, mọi thứ trở nên tuyệt diệu hơn, như lúc bạn còn bé.
4. Cách tìm những quyển sách phù hợp với bạn
Sau quyển đầu tiên, những quyển tiếp theo bạn đọc cũng ảnh hưởng việc bạn có thích đọc sách hay không. Nhiều người bảo rằng, “không có quyển sách dở chỉ có người đọc không biết thưởng thức”, nhưng trong nhiều hoàn cảnh, như của mình và bạn thì điều này không đúng lắm.
Lúc chọn sách bạn đừng chỉ quan tâm đến những nhận xét ghi ngoài bìa sách, hay những nhận xét ở trên mạng, mặc dù những điều này rất quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn là bạn hãy tự mình đọc thử vài trang và tự cảm nhận. Nếu thực sự thích hẵng mua, còn nếu nó làm bạn buồn ngủ hay cái gì tương tự vậy thì dừng lại. Tại thời điểm đó, quyển sách đó không dành cho bạn.
Nhưng một thời gian sau, trong lần tiếp theo đi nhà sách, bạn có thể thử cầm quyển sách bạn đã từng bỏ qua, thử đọc lại, nhiều khả năng là lần này bạn lại thích đấy. Sách không chỉ là sách, mỗi quyển sách ẩn chứa những cuộc đời, bạn cầm một quyển sách là bạn gặp gỡ những cuộc đời khác, cũng cần nhiều duyên lắm.
5. Trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn.
Một quyển sách thực ra là kết quả của một hành trình trải nghiệm của một ai đó.Họ đã đi qua và họ kể lại cho bạn bằng nhiều cách. Nên có những điều nếu bạn chưa từng đi qua, hay chưa từng nghĩ tới, lúc đọc bạn sẽ không hiểu hoặc không cảm nhận hết ý của tác giả, và từ đó bạn thấy nó không hay, không thu hút.
Vậy nên không chỉ đọc, hãy sống nhiều hơn, xem nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn,.. để tích lũy cho chính mình những câu chuyện, và rồi khi đọc sách bạn sẽ thấm thía hơn rất nhiều.
6. Không cần đọc nhiều, hãy để từng quyển sách bạn đọc có ích cho cuộc đời bạn.
Có rất nhiều người trở thành “mọt sách” nhưng họ vẫn chẳng làm được gì nhiều cho chính cuộc sống của mình. Họ đọc rất nhiều, nhưng không suy nghĩ, không cảm nhận, và quan trọng nhất là không biến cái của sách thành cái của mình. Những người như vậy, họ chỉ giống một cái tủ đựng sách, chứ không có ích lợi gì cả.
Quyển sách chỉ thực sự hay, khi chúng ta hành động./.
Sưu tầm!