Làm thế nào để việc đọc sách trở nên hiệu quả?
Nguồn : Sưu tầm
Chắc chắn không ai có thể phủ nhận được những lợi ích của việc đọc sách. Nhưng liệu có phải cứ đọc thật nhiều sách là tốt? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này. Mời bạn đọc cùng tham khảo!
Chúng ta nên đọc bao nhiêu cuốn sách một năm? Nhờ có Internet, chúng ta kết nối với nhau nhiều hơn. Do đó, chúng ta có thể tiếp cận với nhiều quan điểm hơn bao giờ hết. Một tìm kiếm đơn giản trên YouTube có thể cho chúng ta xem bản tóm tắt cô đọng của gần như mọi cuốn sách. Hãy tưởng tượng chúng ta có khả năng tiếp thu mọi kiến thức được tóm gọn ấy. Thật tuyệt vời phải không?
Tìm kiếm nhanh trên Google, ta có thể thấy thói quen chủ yếu của những người giàu trên thế giới. Bạn thử đoán xem? Đa số họ đọc sách. Mọi người đã bắt đầu đề cao giá trị của việc đọc sách, đây thật sự là một việc tốt! Tuy nhiên, người ta thường nói: "Cái gì nhiều quá đều không tốt!".
Để tìm hiểu cặn kẽ vấn đề này, bạn phải tự hỏi chính mình: "Tại sao bạn đọc sách?" Nếu đọc sách để giải trí, tôi cho là không vấn đề gì. Bạn có thể đọc ít nhiều sách tùy ý, miễn là bạn thật sự thích.
Vậy nếu bạn đọc sách chủ yếu để phát triển bản thân thì sao? Trong cuộc chạy đua về số lượng, người ta thường chú tâm đến kiến thức thay vì sự hiểu biết. Và việc phân biệt rõ hai khái niệm này là điều rất cần thiết.
Giả sử, bạn có cuốn sách "Hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí" (HVAC). Cuốn sách này tự nó cung cấp thông tin. Nếu bạn đọc và hiểu cuốn sách, bạn có kiến thức. Nhưng nếu bạn áp dụng lý thuyết trong đó và tạo được một hệ thống HVAC. Đồng thời, bạn còn khám phá ra những tiểu tiết khó phát hiện khi xây dựng hệ thống thì bạn có sự hiểu biết. Việc đọc sách cho phép người đọc biến thông tin thành kiến thức. Qua thời gian và nhờ áp dụng vào thực tế, lượng kiến thức này sẽ trở thành sự hiểu biết.
Khi mọi người bắt đầu đọc sách ở cường độ cao nhằm phát triển bản thân thì người ta sẽ tiếp thu kiến thức nhưng lại bị thiếu mất sự hiểu biết. Có lẽ bạn biết rằng, việc học nhồi nhét trước khi thi là không tốt. Bạn nhớ lý thuyết để làm bài thi, nhưng lại quên ngay sau đó. Nhớ càng nhanh, quên càng chóng! Việc đọc sách cũng tương tự như vậy.
Khi đọc sách, tốt nhất là bạn nên dành chút thời gian để nghiền ngẫm lại những điều bạn đã đọc. Hãy để kiến thức được thấm nhuần và cố áp dụng kiến thức bạn đã đọc được vào trong thực tế. Việc này sẽ giúp bạn tiếp thu bài học tốt hơn. Bên cạnh đó, nó còn ảnh hưởng lâu dài đến cuộc đời của bạn.
"Sự hiểu biết ở lại nhưng kiến thức dễ dàng trôi đi mất". Hãy đọc nhiều sách nhất có thể, miễn là bạn có thể hiểu và áp dụng kiến thức đó vào trong thực tế. Hãy đọc những cuốn sách liên quan đến tình hình hiện tại của bạn. Bởi nó giúp bạn xúc tiến việc áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.
Ví dụ, "Làm việc hiệu quả" và "Giỏi tới mức họ không thể phớt lờ bạn" của Cal Newport, hay "Tiến bộ hơn trước" bởi Gretchen Melbourne đều là những cuốn sách tuyệt vời dành cho sinh viên. Tuy nhiên, bạn có thể thành công hay thất bại nhiều lần trong đời và bị tổn thương lòng tự trọng. Trong trường hợp đó, "Cái tôi là kẻ thù" của Ryan Holiday rất đáng đọc. Nếu lựa chọn sách phù hợp với tình cảnh cuộc sống ở từng thời điểm, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc áp dụng kiến thức và tích lũy sự hiểu biết. Nếu đọc sách do người khác gợi ý hay vì mong muốn học tập một cách gượng ép, chắc chắn bạn chỉ học được kiến thức suôn (lý thuyết).
Để lĩnh hội được những tri thức cần thiết và đạt được mục đích đọc sách, bạn cần phải đi sâu nghiên cứu cuốn sách. Công việc này đòi hỏi bạn phải có kỹ năng đọc. Kỹ năng đọc là năng lực chiếm lĩnh tri thức và trình độ kỹ năng đọc của bạn. Kỹ năng đọc phụ thuộc vào mục đích đọc, thể hiện ra bằng cách đọc. Sau đây là một số cách đọc, bạn có thể tham khảo và lựa chọn theo mục đích đọc của bản thân:
- Đọc lướt qua: Nhằm khái quát những khái niệm ban đầu và nội dung của nó trong cuốn sách. Với những bạn có năng khiếu, chỉ bằng cách đọc lướt đã nắm được điều cốt yếu nhất như ý chính, sự việc chính... Khi đọc lướt, có thể bỏ qua một số trang, đoạn nào đó, hoặc dừng lại ở một số trang, đoạn nào đó. Cách đọc này sử dụng khi đọc để tìm hiểu một vấn đề nào đó đã được chuẩn bị, cần làm rõ thêm, khẳng định thêm; hoặc tìm những cách diễn đạt khác nhau cho một vấn đề nhất định.
- Đọc có trọng điểm (hay đọc từng phần): Là cách đọc từng đoạn, từng phần đã được lựa chọn từ trước nhằm tập trung sức lực và thời gian cho những nội dung cần thiết, cho một công việc đã được chuẩn bị.
- Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kĩ: Cách đọc này nhằm khái quát toàn bộ cuốn sách chứ không đi sâu vào những nội dung cụ thể. Khi đọc không bỏ qua trang nào cũng không dừng lại suy ngẫm ở nội dung nào mà chỉ nắm xem, điều đó đã được bàn tới và bàn ở mức độ nào. Với các cuốn sách ta chưa biết xu hướng, tư tưởng, giá trị... cũng có thể đọc theo cách này.
- Đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách: Đây là cách đọc quan trọng nhất, cần thiết nhất trong tự học để lĩnh hội đầy đủ nội dung cuốn sách. Từng nội dung, từng vấn đề được xem xét tìm hiểu cặn kẽ, có đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm và những cuốn sách khác về những vấn đề đã được đề cập trong đó. Những nội dung tư tưởng của cuốn sách được người đọc đánh giá, phê phán và hiểu đầy đủ, sâu sắc.
- Đọc thụ động: Cũng với cách đọc toàn bộ hay đọc lướt, nhưng người đọc hoàn toàn theo sự dẫn dắt của tác giả, chấp nhận hoàn toàn, lấy đó làm những tín điều; nhìn nhận và xem xét vấn đề bằng con mắt của tác giả.
- Đọc chủ động: Là cách đọc mà khi xem xét những tư tưởng cuốn sách đề cập, người đọc luôn đối chiếu, đánh giá nó. Mọi sự chấp nhận hay phản đối đều được người đọc dựa trên cơ sở sự đánh giá, đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm; được nhận thức theo thế giới quan, tình cảm của mình. Từ những nhận thức đó mà rút ra những kết luận cần thiết cho bản thân người đọc.
- Đọc nông: Chỉ khai thác nội dung, tư tưởng cuốn sách ở trình độ chấp nhận hoặc có phê phán chung chung mà chưa thể hiện được sự nghiền ngẫm cuốn sách một cách thấu đáo. Khi đọc những cuốn sách giải trí thì cách đọc này là phù hợp, đỡ tốn công sức.
- Đọc sâu: Là cách đọc đòi hỏi phải nghiền ngẫm sâu sắc nội dung cuốn sách để hiểu cặn kẽ, lĩnh hội có phê phán những tư tưởng mà cuốn sách đề cập. Đây cũng là cách đọc quan trọng được sử dụng trong tự học.
Mỗi cách đọc sách trên đây có thể đáp ứng cho những mục đích đọc và loại sách khác nhau. Với các loại sách khoa học và kỹ thuật, đọc với mục đích học tập, nghiên cứu phải đọc một cách chủ động, nghiền ngẫm sâu sắc, đi sâu vào nội dung từng vấn đề trong sách. Như vậy, càng thấy rõ, bạn cần có mục đích đọc sách rõ ràng trước khi bắt tay vào đọc.
Khi đọc, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Đọc bằng mắt chứ không đọc bằng miệng.
- Tránh đọc nhảy trở lại quá nhiều.
- Chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng khi đọc.
- Đọc với tốc độ biến đổi: Đoạn nào quan trọng thì đọc chậm, đọc kĩ; đoạn nào không quan trọng thì đọc nhanh, đọc lướt.
- Cố gắng hiểu ý nghĩa của cả đoạn văn, đừng để ý đến từ, đến câu.
- Tập đọc nhanh, nắm và thâu tóm nhanh cái chủ yếu cũng như cái cơ bản của vấn đề trình bày trong sách.